Khởi nghiệp phải bắt đầu văn hóa chứ không phải từ đồng tiền
“Khởi nghiệp phải bắt đầu từ văn hóa không phải bắt đầu từ đồng tiền. Nếu cầm tiền và có văn hóa khi sử dụng trong kinh doanh cùng với triết lý thì nền sản xuất mới có thương hiệu lớn”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.
Khởi nghiệp kinh doanh phải có tinh thần xây dựng doanh nghiệp mới, sáng tạo và tiếp cận ứng dụng công nghệ làm tăng năng suất hiệu quả lao động.
Năm 2016, cụm từ “khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều và đây cũng là năm được Chính phủ chọn là năm khởi nghiệp quốc gia. Chính phủ và Thủ tướng đã triển khai nhiều dự án cho tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp, từ thể chế chính sách cho đến những chỉ đạo hết sức quyết liệt.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, năm 2016 đã bắt đầu có sự “bẻ ghi” cho một công cuộc mới của cộng đồng doanh nghiệp. Sự thay đổi nhận thức cả về nội dung và hình thức mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đang là nền tảng tốt cho một xã hội phát triển.
Khởi nghiệp phải bắt đầu từ văn hoá chứ không phải từ đồng tiền Khởi nghiệp phải bắt đầu từ văn hoá chứ không phải từ đồng tiền
Tinh thần khởi nghiệp khu vực nông thôn rất đáng được quan tâm. Ảnh minh họa: KT
Chính từ nhận thức này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc khuyến khích người dân bắt đầu một quá trình đầu tư trước nay chưa từng làm, nay bỏ vốn ra đầu tư khởi nghiệp sẽ cần phải có thời gian. Do đó, bước vào năm khởi nghiệp sẽ đặt nền tảng chưa đầy đủ, phải phấn đấu để đạt được một diện mạo và nền tảng mới.
Vấn đề quan trọng nhất theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng vẫn là tinh thần văn hóa khởi nghiệp. Cá nhân, doanh nghiệp muốn khởi nghiệp nếu không có triết lý hành động, không có văn hóa sẽ là hết sức nguy hiểm. Giai đoạn 2016 -2020 với đường lối phát triển kinh tế đã đề ra, cần phải có một triết lý hành động cho văn hóa khởi nghiệp phải là văn hóa sản xuất kinh doanh có đạo đức.
“Khởi nghiệp phải bắt đầu từ văn hóa không phải bắt đầu từ đồng tiền. Nếu cầm tiền và có văn hóa khi sử dụng trong kinh doanh cùng với triết lý thì nền sản xuất mới có thương hiệu lớn”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp chỉ là hình thức và số lượng, điều quan trọng vẫn là sự thay đổi của các doanh nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp phải là tinh thần của sáng tạo mới, tư duy mới và công nghệ mới gắn với đạo đức kinh doanh.
“Rất cần một thể chế “bà đỡ” từ phía nhà nước cũng như sự đồng tâm của cả xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng. Khách hàng là yếu tố rất quan trọng cùng với doanh nghiệp tạo nên một xã hội thực sự khoa học và văn minh. Khởi nghiệp đi cùng với sáng tạo, văn minh và văn hóa là vì thế”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Để tinh thần khởi nghiệp được triển khai rộng khắp, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lưu ý đến nguồn lực lượng lao động cần phải được đào tạo để có thể phục vụ cho tinh thần khởi nghiệp của 1 triệu doanh nghiệp trong tương lai.
Cũng đề cập về tinh thần khởi nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dù có phong trào khởi nghiệp nhưng phải có tinh thần xây dựng doanh nghiệp mới, hoạt động trên cơ sở đổi mới sáng tạo, tiếp cận với công nghệ mới, ứng dụng công nghệ mới cũng như thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp làm cho năng suất lao động và hiệu quả tăng lên so với trước. Đấy mới thực sự là tinh thần khởi nghiệp.
“Đừng biến khởi nghiệp thành một thứ phong trào có thể áp dụng rộng rãi cho rất nhiều người, cứ đăng kí khởi nghiệp nhưng không mang lại những giá trị thực chất, giá trị gia tăng cao hơn, năng suất và hiệu quả lớn hơn cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế”, bà Lan nói.
Do đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đòi hỏi hệ thống thể chế và chính sách mới, mà trước hết là phải có môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
“Khởi nghiệp sẽ không thể có được nếu như vẫn có một khu vực doanh nghiệp nhà nước được hưởng vô vàn những ưu đãi. Cách dung thứ cho doanh nghiệp nhà nước như vậy sẽ chèn ép các doanh nghiệp khác không có nguồn lực để hoạt động trong các lĩnh vực khởi nghiệp cũng như các lĩnh vực bình thường khác”, bà Lan chỉ rõ.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng, không thể có phong trào khởi nghiệp tốt được nếu như không có môi trường kinh doanh bình đẳng. Hiện nay doanh nghiệp nội địa bị coi nhẹ so với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chính quyền địa phương vẫn cứ ưu đãi cho doanh nghiệp FDI bằng mọi giá trong khi doanh nghiệp trong nước muốn được tạo điều kiện lại gặp rất nhiều khó khăn, từ ưu đãi đất đai đến nguồn vốn tín dụng.
Một yếu tố quan trọng khác cũng cần thay đổi, đó là phương pháp điều hành của các bộ, ngành đang thiếu sự kết nối với nhau trong nền kinh tế hội nhập. Bà Lan chỉ rõ: Trong khi Việt Nam hội nhập để kết nối với bên ngoài nhưng ngay bản thân chính sách, hoạt động của các bộ ngành cũng đã thiếu sự liên kết với nhau, điều này vô hình chung đã làm khó doanh nghiệp.
Ngoài ra, nguồn nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo bà Phạm Chi Lan, việc đào tạo nhiều nhưng số người thất nghiệp tăng lên đã chứng tỏ người được đào tạo không thích ứng với nhu cầu của xã hội, của nền kinh tế.
Do đó, lĩnh vực giáo dục đào tạo cần phải thay đổi căn bản, tôn trọng sự phát triển và nắm được nhu cầu của xã hội, không phải chỉ đào tạo những gì mình có sẽ làm lãng phí và mất cơ hội của những người trẻ, làm giảm khả năng tiếp cận với các nguồn lực tốt hơn cho các doanh nghiệp.
Chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định: “Tinh thần, ý chí khát vọng khởi nghiệp và phát triển của những người trẻ Việt Nam rất lớn, đừng để cho những khát vọng này trở nên mòn mỏi và thui chột. Khi được tạo điều kiện, lực lượng khởi nghiệp có cơ hội sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong tương lai”./.
Leave a Reply